HƯỚNG DẪN QUY CÁCH VIẾT BÀI
ĐĂNG TẠP CHÍ KHOA HỌC PHÁP LÝ và GIÁO TRÌNH
1.Nội dung
- Bài viết phải có nội dung pháp lý, nội dung chuyên môn phải chính xác, các kiến nghị có cơ sở khoa học và lập luận vững chắc, thể hiện rõ quan điểm của tác giả.
- Bài viết phải có tính mới, phát hiện và giải quyết các vấn đề lý luận, thực tiễn pháp lý cụ thể.
- Bài viết phải có bố cục rõ ràng, logic và chặt chẽ.
- Bài viết phải phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhằm phục vụ công cuộc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
- Bài viết phải bằng tiếng Việt (các bài viết bằng tiếng Anh, Nga, Pháp sẽ được Ban biên tập hỗ trợ dịch ra tiếng Việt).
- Khi gửi bài viết, tác giả phải gửi kèm theo tên bài viết bằng tiếng Anh, tóm tắt nội dung bằng tiếng Việt và tiếng Anh (tối đa 100 từ). Độ dài bài viết tối thiểu 5 trang, tối đa 8 trang (khoảng 3.000 đến 5.000 từ/ bài).
2.Cách trình bày
2.1. Font chữ, khổ giấy
Font chữ Times New Roman, cỡ chữ 12, cách dòng đơn (single); khổ giấy A4 (với giáo trình khổ giấy A5, top: 1.5 ; bottom: 1.5; left: 1.7; right: 1.5).
2.2. Cách viết đề mục
- Mục lớn nhất là 1: In đậm
- Mục nhỏ hơn là 1.1 : In đậm nghiêng
- Tiếp theo là các mục a), b)… : In nghiêng (với giáo trình có thể ghi mục.1.1.1 – in nghiêng, không đậm).
- Cuối cùng là các mục i), ii)…: Gạch dưới
Các mục nhỏ hơn: dùng gạch đầu dòng (-); nhỏ hơn nữa dùng dấu cộng (+) ở đầu mục
Lưu ý: Với giáo trình, tên chương viết in hoa, số thứ tự chương viết theo số Ả Rập (VD: Chương 1...).
2.3. Cách viết hoa
a) Viết hoa khi đề cập văn bản luật và văn bản dưới luật
(i) Hiến pháp của một quốc gia cụ thể: viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất
VD: Hiến pháp năm 2013 (của Việt Nam) (nếu hiến pháp chung chung thì không viết hoa).
(ii) Bộ luật: viết hoa chữ Bộ và chữ cái đầu âm tiết chỉ tên riêng của bộ luật đó
VD: Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015…
(iii) Luật: viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất và chữ mang tính khu biệt, khi chỉ luật cụ thể (khi không chỉ luật cụ thể thì viết thường), VD: Luật Doanh nghiệp năm 2014.
(iv) Văn bản dưới luật: viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất và của tên văn bản. Văn bản không cụ thể hoặc chỉ số nhiều thì không viết hoa.
VD: Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 2/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khoa XI về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (Nghị quyết số 29-NQ/TW)
(v) Điều, khoản luật: viết hoa chữ Điều, các chữ khác như khoản, đoạn, điểm… viết thường.
VD: Điều 16 khoản 1 Hiến pháp năm 2013.
(vi) Điều ước quốc tế: viết hoa chữ cái đầu và tên điều ước quốc tế đó
VD: Công ước về Luật biển năm 1982.
b) Viết hoa theo cú pháp
(i) Viết hoa chữ cái đầu âm tiết thứ nhất của một câu hoàn chỉnh:
- Sau dấu chấm câu (.); Sau dấu chấm hỏi (?); Sau dấu chấm than (!);
- Sau dấu chấm lửng (…); Sau dấu hai chấm (:) nếu có đủ kết cấu chủ vị;
- Sau dấu hai chấm trong ngoặc kép (: "…") nếu có đủ kết cấu chủ - vị
(ii) Viết hoa chữ cái đầu âm tiết thứ nhất của mệnh đề sau dấu chấm phẩy (; ) và dấu phẩy (,) khi xuống dòng.
VD:
“Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;”
“Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ,”
c) Viết hoa danh từ riêng chỉ tên người
(i) Tên người Việt Nam
- Tên thông thường: Viết hoa chữ cái đầu tất cả các âm tiết của danh từ riêng chỉ tên người. VD: Lê Tư Thành, Nguyễn Ái Quốc, Giàng A Pao, Kơ Pa Kơ Lơng…
- Tên hiệu, tên gọi nhân vật lịch sử: Viết hoa chữ cái đầu tất cả các âm tiết.
Ví dụ: Vua Hùng, Bà Triệu, Hồng Đức, Lê Thánh Tông, Bác Hồ, Cụ Hồ…
(ii) Tên người nước ngoài
- Trường hợp phiên âm qua âm Hán – Việt: Viết hoa chữ cái đầu âm tiết thứ nhất trong mỗi thành tố. VD: Hồ Chí Minh
- Trường hợp tên người viết bằng tiếng Anh hoặc ngôn ngữ khác được viết theo ký tự latin: Tạp chí quy ước chọn cách viết để nguyên ngôn ngữ nước ngoài, kiểu latin.
VD: Friedrich Engels, Karl Marx, Bill Clinton…
d) Viết hoa tên khu vực địa lý
(i) Tên riêng địa lý Việt Nam:
- Tên đơn vị hành chính được cấu tạo giữa danh từ chung (tỉnh, huyện, xã…) với tên riêng của đơn vị hành chính đó: viết hoa chữ cái đầu của các âm tiết tạo thành tên riêng và không dùng gạch nối.
VD: thành phố Thái Nguyên, tỉnh Nam Định, tỉnh Đắk Lắk …; quận Hải Châu, huyện Gia Lâm, huyện Ea H’leo, thị xã Sông Công, thị trấn Cầu Giát….; phường Nguyễn Trãi, xã Ia Yeng…
- Trường hợp tên đơn vị hành chính được cấu tạo giữa danh từ chung kết hợp với chữ số, tên người, tên sự kiện lịch sử: viết hoa cả danh từ chung chỉ đơn vị hành chính đó.
VD: Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, Phường Điện Biên Phủ, Thủ đô Hà Nội…
- Tên địa lý được cấu tạo giữa danh từ chung chỉ địa hình (sông, núi, hồ, biển, cửa, bến, cầu, vũng, lạch, vàm…) với danh từ riêng (có một âm tiết), giữa danh từ riêng và danh từ chung có liên kết chặt chẽ không thể tách rời, trở thành tên riêng của địa danh đó: viết hoa tất cả các chữ cái tạo nên địa danh.
VD: Cửa Lò, Vũng Tàu, Lạch Trường, Vàm Cỏ, Cầu Giấy…
- Trường hợp danh từ chung chỉ địa hình đi liền với danh từ riêng: Không viết hoa danh từ chung mà chỉ viết hoa danh từ riêng.
VD: biển Cửa Lò, chợ Bến Thành, sông Vàm Cỏ, vịnh Hạ Long…
- Tên riêng địa lý chỉ một vùng, miền, khu vực nhất định được cấu tạo bằng từ chỉ phương hướng kết hợp với từ chỉ phương hướng khác: Viết hoa chữ cái đầu của tất cả các âm tiết tạo thành tên gọi. Đối với tên địa lý chỉ vùng miền riêng được cấu tạo bằng từ chỉ phương hướng kết hợp với danh từ chỉ địa hình thì phải viết hoa các chữ cái đầu mỗi âm tiết.
VD: Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Bộ, Nam Kỳ, Nam Trung Bộ…
- Nếu đơn thuần chỉ phương hướng thì chỉ viết hoa chữ cái đầu âm tiết chỉ phương hướng, VD: phương Đông…
(ii) Tên riêng địa lý nước ngoài được phiên chuyển sang tiếng Việt:
- Tên địa lý đã được phiên âm sang âm Hán – Việt, được sử dụng nhiều, quen thuộc: viết theo quy tắc viết hoa tên địa lý Việt Nam.
VD: châu Âu, châu Mỹ Latin, Thái Bình Dương, Bắc Kinh, Luân Đôn, Pháp, Đức, Anh, Mỹ, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Ý, Úc…
- Tên địa lý phiên âm bằng tiếng Anh và các ngôn ngữ khác: phải chuyển sang ngôn ngữ trung gian – chủ yếu theo tiếng Anh hoặc cá biệt theo tiếng Pháp, phiên âm trực tiếp sát cách đọc của nguyên ngữ. Tạp chí quy định chọn theo quy tắc viết hoa tên người nước ngoài (mục 3.3.2. điểm b).
VD: Moscow, New York, Singapore, Italia, Australia …
e) Viết hoa tên cơ quan, tổ chức
(i) Tên riêng cơ quan, tổ chức của Việt Nam:
- Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết đứng đầu và các âm tiết có tính khu biệt chỉ loại hình cơ quan, tổ chức; chức năng, lĩnh vực hoạt động của cơ quan, tổ chức.
VD: Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Ủy ban Pháp luật của Quốc hội;
+Văn phòng Chủ tịch nước; Văn phòng Quốc hội; Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh;
+ Tòa án Nhân dân tối cao; Cục Thi hành án dân sự X;
+ Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa;
+ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư pháp,
+ Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm;
+ Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Tư pháp;
+ Vụ Hợp tác quốc tế;
+ Tổng cục Thuế; Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật;
+ Trung tâm Nghiên cứu pháp luật về Quyền con người, quyền công dân;
+ Phòng Quản lý nghiên cứu khoa học và Hợp tác quốc tế,
+ Báo Thanh niên; Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, Tạp chí Khoa học pháp lý; …
+ Nhà xuất bản Sự thật, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia;
+ Công ty Cổ phần đầu tư và thương mại X, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Y;
+ Hội Luật gia Việt Nam, Ban Hội thẩm nhân dân;
[t1] (ii) Tên riêng cơ quan, tổ chức nước ngoài:
- Tên cơ quan, tổ chức nước ngoài đã dịch nghĩa: viết hoa theo quy tắc viết tên cơ quan, tổ chức của Việt Nam
VD: Liên hợp quốc, Tổ chức Y tế thế giới, Tổ chức Lao động quốc tế, Tổ chức Thương mại thế giới, Liên đoàn Bóng đá thế giới, Liên minh châu Âu, Cộng đồng Kinh tế châu Âu, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á, Tòa án Công lý quốc tế, Thượng nghị viện …
- Tên cơ quan, tổ chức nước ngoài được sử dụng trong văn bản ở dạng viết tắt: viết bằng chữ in hoa như nguyên ngữ hoặc chuyển tự Latin nếu nguyên ngữ không thuộc hệ Latin.
VD: WTO, UNDP, UNESCO, SARBICA, SNG…
f) Viết hoa các trường hợp khác
(i) Tên các huân chương, huy chương, các danh hiệu:
viết hoa chữ cái đầu các âm tiết của các thành tố tạo thành tên riêng và các từ chỉ thứ hạng.
VD: Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Bằng Tổ quốc ghi công, Giải thưởng Nhà nước, , Nhà giáo Ưu tú, Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân…
(ii) Tên chức vụ, học vị, danh hiệu đi kèm tên tiêng, chỉ cá nhân cụ thể: viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất(trong trường hợp không chỉ cá nhân cụ thể thì viết thường).
VD: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng thống B. Obama, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó thủ tướng X, Tổng cục trưởng X, Tổng giám đốc X, Chánh Văn phòng X, Phó chánh Văn phòng X, Trưởng phòng X, Phó trưởng phòng X, Tổng thư ký X, Hiệu trưởng X, Phó hiệu trưởng X, Giáo sư Viện sĩ Nguyễn Văn H, Tiến sĩ khoa học Phạm Văn M…
(iii) Tên các ngày lễ, ngày kỷ niệm: viết hoa chữ cái đầu của âm tiết tạo thành tên gọi ngày lễ, ngày kỷ niệm.
VD: ngày Quốc khánh 2-9, ngày Quốc tế Lao động 1-5, ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10,…
(iv) Tên các sự kiện lịch sử và các triều đại:
- Tên các sự kiện lịch sử: viết hoa chữ cái đầu của các âm tiết tạo thành sự kiện và tên sự kiện, trong trường hợp có các con số chỉ mốc thời gian thì phải ghi bằng chữ và viết hoa chữ đó.
VD: Phong trào Cần vương, Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, Cách mạng tháng Tám,…
- Tên các triều đại: viết hoa tên của triều đại.
VD: nhà Lý, nhà Trần…
(v) Tên các văn bản sách báo, tạp chí, tên các sự kiện:
- Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất tạo thành tên tác phẩm, sách báo và chữ cái đầu của âm tiết có tính khu biệt.
VD: Từ điển Bách khoa toàn thư, Tạp chí Cộng sản, Những khía cạnh pháp lý liên quan đến sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 (HD 981) trong vùng biển Việt Nam
g) Tên các năm âm lịch, ngày tiết, ngày tết, ngày và tháng trong năm
(i) Tên các năm âm lịch: viết hoa chữ cái đầu của tất cả các âm tiết tạo thành tên gọi.
VD: Kỷ Tỵ, Tân Hợi, Mậu Tuất, Mậu Thân…
(ii) Tên các ngày tiết và ngày tết: viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất tạo thành tên gọi.
VD: tiết Lập xuân, tiết Đại hàn, tết Đoan ngọ, tết Trung thu, tết Nguyên đán…
Viết hoa chữ Tết trong trường hợp dùng để thay cho một tết cụ thể (như Tết thay cho tết Nguyên đán).
(iii) Tên các ngày trong tuần và tháng trong năm: viết hoa chữ cái đầu của âm tiết chỉ ngày và tháng trong trường hợp không dùng chữ số.
VD: thứ Hai, thứ Tư, tháng Năm, tháng Tám…
h) Tên gọi các tôn giáo, giáo phái, ngày lễ tôn giáo
(i) Tên gọi các tôn giáo, giáo phái: viết hoa chữ cái đầu của các âm tiết tạo thành tên gọi.
VD: đạo Cơ Đốc, đạo Tin Lành, đạo Thiên Chúa, đạo Hòa Hảo, đạo Cao Đài…; Nho giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo…
(ii) Tên gọi ngày lễ tôn giáo: viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất tạo thành tên gọi.
VD: lễ Phục sinh, lễ Phật đản…
i) Viết hoa mang tính tu từ
Viết những chữ đặc biệt, cần nhấn mạnh, thể hiện sự đề cao, tôn kính. Trường hợp này không được tùy tiện, thích đâu viết đó mà cần có quan điểm, thái độ, tư tưởng rõ rệt.
VD:
+ Nhân dân (được viết hoa trong Hiến pháp năm 2013).
+ Người là Cha, là Bác, là Anh (thơ Tố Hữu)
Lưu ý: Cách viết hoa phải thống nhất trong 1 bài và trong toàn bộ Tạp chí.
2.4. Viết tắt
- Không lạm dụng viết tắt trong bài tạp chí. Chỉ viết tắt những từ, cụm từ hoặc thuật ngữ được sử dụng nhiều lần trong văn bản; không viết tắt những cụm từ dài.
- Khi viết tắt lần đầu bắt buộc để trong ngoặc đơn và trước đó là từ, cụm từ được viết đầy đủ.
- Cách viết tắt: Lấy chữ cái đầu của mỗi âm tiết và viết hoa
VD: UBND (ủy ban nhân dân), BLTTDS (Bộ luật Tố tụng dân sự), ThS (thạc sĩ) …
- Trường hợp dẫn chiếu văn bản pháp luật, khi dẫn chiếu lần đầu cần ghi đầy đủ số ký hiệu văn bản và tên văn bản, VD: Nghị định số 88/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về Đăng ký kinh doanh. Trường hợp văn bản đó được sử dụng nhiều lần thì từ lần thứ hai trở đi có thể viết tắt như sau: số thứ tự của văn bản/năm ban hành/tên viết tắt của loại văn bản –tên viết tắt của cơ quan ban hành văn bản. VD: Nghị định số 88/2006/NĐ-CP.
Lưu ý: Tránh viết tắt ở tên bài, tên mục.
- Viết tắt phải thống nhất trong 1 bài và trong toàn bộ Tạp chí.
- Một số chữ viết tắt ngoài quy cách như sđd, tlđd (cách này khá phổ biến) hay Nxb (đã quen dùng ở Trường ĐH Luật TP.HCM)
2.5. Cách trích dẫn và ghi chú dẫn (footnote)
Bên cạnh việc tham khảo Quy chế chống đạo văn do Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh ban hành năm 2015, tác giả lưu ý các thông tin dưới đây:
a) Yêu cầu chung
- Mọi ý kiến, khái niệm có ý nghĩa khoa học mà không phải của riêng tác giả và mọi tham khảo khác phải được chú dẫn ở cuối trang.
- Không trích dẫn những kiến thức phổ biến, mọi người đều biết. Việc trích dẫn, tham khảo chủ yếu nhằm thừa nhận nguồn của những ý tưởng có giá trị và giúp người đọc theo được mạch suy nghĩ của tác giả, không làm trở ngại việc đọc.
- Nếu không có điều kiện tiếp cận được tài liệu gốc mà phải trích dẫn thông qua một tài liệu khác thì phải nêu rõ cách trích dẫn này, đồng thời tài liệu gốc đó không được liệt kê trong Danh mục tài liệu tham khảo.
b) Cách trích dẫn
- Khi cần trích dẫn một đoạn ít hơn hai câu hoặc bốn dòng đánh máy thì có thể sử dụng dấu ngoặc kép “....” để mở đầu và kết thúc phần trích dẫn. Nếu cần trích dẫn dài hơn hai câu hoặc 4 dòng đánh máy thì phải tách phần này thành một đoạn riêng khỏi phần nội dung đang trình bày, với lề trái lùi vào thêm 2 cm.
c) Cách ghi chú dẫn (footnote)
(i) Đánh chú dẫn theo số thứ tự của từng bài.
(ii) Tài liệu tham khảo là sách, luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ, báo cáo… phải ghi đầy đủ các thông tin sau (đây là cách Tạp chí đang sử dụng):
- Tên các tác giả hoặc cơ quan ban hành (dấu phẩy ở cuối) (không ghi chức vụ, danh hiệu, học hàm, học vị của tác giả)
- Tên sách, luận án, luận văn hoặc báo cáo (in nghiêng, dấy phẩy cuối tên)
- Nhà xuất bản, (dấu phẩy cuối tên nhà xuất bản và viết tắt NXB)
- Nơi xuất bản, (dấu phẩy sau nơi xuất bản)
- Năm xuất bản
- Trang (viết tắt: tr. ) (dấu chấm để kết thúc)
VD: Nguyễn Cửu Việt, Giáo trình Luật Hành chính Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.485.
(iii) Tài liệu tham khảo là bài báo trong tạp chí, bài trong một cuốn sách … ghi đầy đủ các thông tin theo trình tự sau:
- Tên các tác giả (dấu phẩy ở cuối)
- Tên bài báo, (đặt trong ngoặc kép, không in nghiêng, dấu phẩy cuối tên)
- Tên tạp chí hoặc tên sách, (in nghiêng, dấu phẩy cuối tên)
- Số, (đặt trong ngoặc đơn, dấu phẩy sau ngoặc đơn)
- Năm công bố, (đặt trong ngoặc đơn, dấu phẩy sau ngoặc đơn)
- Các số trang, (gạch ngang giữa hai chữ số, dấu chấm kết thúc)
VD: Vũ Công Giao, “Luật Nhân đạo quốc tế và việc bảo hộ nạn nhân chiến tranh”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 6/2001, tr.65.
Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Giáo trình Luật Thương mại quốc tế – Phần I (luật WTO), NXB. Hồng Đức, 2012.
(iv) Nếu tài liệu được trích từ các website: nên copy toàn bộ đường dẫn trang web có tài liệu đó và ghi ngày tham khảo.
VD: https://www.sbv.gov.vn/vn/home/htNHnngoai.jsp, tham khảo ngày 29/01/2016
https://vi.wikipedia.org/wiki/Thu%E1%BA%BF#L.C3.BD_do_.C4.91.C3.A1nh_thu.E1.BA.BF, tham khảo ngày 01/4/2013
(v) Nếu tài liệu là văn bản pháp luật: ghi đúng ký hiệu văn bản pháp luật.
VD: Nghị định số 72/2006/NĐ/CP ngày 25 tháng 7 năm 2006 Qui định chi tiết thi hành luật thương mại về văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam (Nghị định số 72/2006/NĐ/CP)
(vi) Nếu tài liệu là bản án: ghi đúng ký hiệu bản án và trích yếu.
VD: Bản án số: 09/2005/KDTM-ST "V/v tranh chấp về hợp đồng thuê mua tài chính” của Tòa án nhân dân tỉnh X.
(vii) Trường hợp một tài liệu tham khảo nhưng được trích dẫn nhiều lần trong bài: bắt đầu từ chú dẫn thứ hai trở đi nếu không muốn lặp lại chú dẫn đó thì tác giả có thể ghi: Tên tác giả, (phẩy) tlđd (in nghiêng) hoặc sđd (in nghiêng) số chú dẫn trước đó….., (phẩy) tr.…. (sau số trang kết thúc bằng dấu chấm).
VD: Holyoak & Torremans, sđd, tr.612.
(viii) Ngoài ra, tác giả có thể sử dụng các footnote để giải nghĩa từ ngữ, làm rõ thêm một nội dung nào đó.
Lưu ý: Nếu từ ngữ được chú giải nằm trước dấu phẩy hoặc dấu chấm thì số thứ tự footnot sẽ đặt trước dấu (theo xu hướng chung hiện nay). /.
-ThS. Trần Thị Bích Hà & PGS.TS. Trần Thị Thùy Dương-